Việt Nam Có Bao Nhiêu loại Tre Trúc

Cây tre trúc là bạn đồng hành thủy chung, can đảm của người Việt từ thuở xa xưa khai hoang, dựng nước. Tre nghìn đời bao bọc, chở che cho sinh tồn của người. Tre trúc hóa thân thành thế giới văn hóa tre trúc quây quần thân thiết với đời người, in hình in bóng đậm đà vào văn hóa, thi ca, nhạc họa, vào sâu xa tâm thức con người Việt Nam. Vậy theo bạn Việt Nam có bao nhiêu loại tre trúc? và thật sự bạn đã hiểu hết về tre trúc Việt Nam. Bài viết sau xuongtretruc.com gửi đến các bạn về thông tin cây tre cây trúc Việt Nam

CÁC LOÀI TRE, TRÚC Ở VIỆT NAM

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về diện tích tre nứa, với 194 loài tre trúc thuộc 26 chi được các nhà khoa học phát hiện ở Việt Nam đã phần nào đánh giá được tính đa dạng về thành phần loài tre trúc ở nước ta. Tuy nhiên, mới chỉ có 80 loài đã tạm thời được định danh, còn lại là các loài chưa có tên.Trong nhiều năm trở lại đây, rất nhiều chi, loài mới được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và bổ sung vào danh lục tre nứa của nước nhà. Công trình đầu tiên nghiên cứu về tre nứa ở Việt Nam là Camus and Camus (1923) đã thống kê có 73 loài tre trúc của Việt Nam. Năm 1978 Vũ Văn Dũng công bố Việt Nam có khoảng 50 loài. Năm 1999 Phạm Hoàng Hộ đã thống kê được 123 loài, số lượng các loài tre trúc của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Không dừng lại ở đó vào giai đoạn 2001-2003, Nguyễn Tử Ưởng, Lê Viết Lâm (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cùng với GS. Xia Nianhe, chuyên gia phân loại tre (chi Bambusa) của Viện thực vật học Quảng Châu, Trung Quốc đã xác định ở Việt Nam có 113 loài của 22 chi, kiểm tra và cập nhật 11 tên khoa học mới, đặc biệt đưa ra được 6 chi và 22 loài tre lần đầu đầu được định tên khoa học ở Việt Nam bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam; đưa ra 22 loài cần được xem xét để xác nhận loài mới.

Trong 2 năm 2004 – 2005, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa cùng hai chuyên gia phân loại tre Trung Quốc là GS. Li Dezhu, Phó Viện trưởng Viện thực vật học Côn Minh, Vân Nam (chuyên gia chi Dendrocalamus) và GS. Xia Nianhe (chuyên gia chi Bambusa) tiếp tục cộng tác nghiên cứu với các nhà nghiên cứu tre trúc ở nước ta tiếp tục nghiên cứu định danh các loài tre nứa hiện có của Việt Nam ban đầu đã đưa ra danh sách gồm 194 loài của 26 chi tre trúc Việt Nam. Phần lớn trong số đó là chưa có tên. Một số chi có nhiều loài là chi Tre gai (Bambusa) có 55 loài thì có tới 31 loài chưa có tên, chi Luồng (Dendrocalamus) có 21 loài với 5 loài chưa định tên, chi Le (Gigantochloa) có 16 loài với 14 loài chưa có tên, chi Vầu đắng (Indosasa) có 11 loài với 8 loài chưa có tên và chi Nứa (Schizostachyum) có 14 loài thì có tới 11 loài chưa có tên.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm ra được nhiều chi, loài mới cho nước nhà. Năm 2005, Nguyễn Hoàng Nghĩa và cộng sự đã công bố 7 loài nứa mới thuộc chi Nứa (Schizostachyum) như: Khốp Cà Ná (Cà Ná, Ninh Thuận), Nứa Núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nứa đèo Lò Xo (Đắc Glei, Kon Tum), Nứa lá to Saloong (Ngọc Hồi, Kon Tum), Nứa không tai Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), Nứa có tai Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), Nứa Bảo Lộc (Bảo Lộc, Lâm Đồng – mô tả để so sánh). Các tác giả đã mô tả chi tiết về đặc điểm hình thái, sinh thái của từng loài cụ thể.Đồng thời nhóm nghiên cứu phát hiện ra 6 loài tre quả thịt dựa trên cơ sở cấu tạo hình thái và giải phẫu hoa quả, sáu loài tre quả thịt đã được mô tả và định danh để tạo nên một chi tre mới cho Việt Nam, đó là chi Tre quả thịt (Melocalamus). Các loài đã được nhận biết là Dẹ Yên Bái (Melocalamus yenbaiensis), Tre quả thịt Cúc Phương (M. cucphuongensis), Tre quả thịt Kon Hà Nừng (M. kbangensis), Tre quả thịt Lộc Bắc (M. blaoensis), Tre quả thịt Pà Cò (M. pacoensis) và Tre quả thịt Trường Sơn (M. truongsonensis).Cũng trong đợt khảo sát này, Nguyễn Hoàng Nghĩa và nhóm nghiên cứu đã phát hiện thêm một loài nứa mới cho Việt Nam có tên là Nứa Sapa (Schizostachyum chinense Rendle) được tìm thấy trong rừng lá rộng thường xanh của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai), tác giả đã mô tả về đặc điểm hình thái, sinh học của loài.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng tre nứa ở Việt Nam còn nhiều điều bí ẩn ngay đằng sau các con số. Rất có thể những bí ẩn này sẽ được giải đáp vào một tương lai không xa. Và chắc chắn rằng sẽ còn có nhiều loài tiếp tục được định tên, nhiều loài được phát hiện đóng góp thêm vào sự phong phú về tre nứa sẵn có của Việt Nam. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, một hoặc nhiều loài trong số đó sẽ là những loài mới được bổ sung cho khoa học Việt Nam và thế giới

>>>> Xem thêm: mành tre trúc chống nắng

DANH SÁCH CÁC LOÀI TRE TRÚC Ở VIỆT NAM

Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về diện tích tre nứa với 914 loài và 26 chi.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nên rất phù hợp để tre sinh trưởng và phát triển. Tre được phân bố rộng rãi trên diện rộng, từ đồi núi đến đồng bằng.

Dưới đây là danh sách các loài tre trúc đã được phát hiện và công bố tại Việt Nam.

Stt Chi/Loài Tên khoa học
I Vầu xanh Acidosasa
1 Vầu ngọt Acidosasa  sp.1
2 Vầu xanh Acidosasa  sp.2
3 Vầu Acidosasa  sp.3
4 Mạy pau Acidosasa  sp.4
5 Nó khôm Acidosasa  sp.5
II Trúc dây Ampelocalamus
6 Trúc dây Ampelocalamus  sp.1
7 Mạy loi Ampelocalamus  sp.2
8 Xả má Ampelocalamus  sp.3
9 Trúc dây Bidoup Ampelocalamus  sp.4
III Sặt Arundinaria
10 Mạy reng Arundinaria  sp.1
11 Mạy chả Arundinaria  sp.2
12 Mạy pặt Arundinaria  sp.3
13 Nó bẻ, măng dê Arundinaria  sp.4
14 Tre đắng Yên Tử Arundinaria  sp.5
15 Trúc Yên Tử Arundinaria  sp.6
16 Sặt Cúc Phương Arundinaria  sp.7
IV Tre Bambusa
17 Tre rừng Bambusa aff. sinospinosa McClure
18 Tre Bambusa aff. funghomii McClure
19 Lồ ô Trung Bộ Bambusa balcoa Roxb.
20 Là ngà Nam Bộ Bambusa bambos (L.) Voss.
21 Mạy bói Bambusa burmanica Gamble
22 Tre gai Bambusa blumeana Schultes
23 Tre sọc trắng Bambusa cf heterostachya (Munro) Holttum
24 Hóp Phù Yên Bambusa cf tultoides  Munro
Hóp nư­ớc Cầu Hai Bambusa sp.
Hóp đá Cầu Hai Bambusa sp.
Hóp Miếu Trắng Bambusa sp.
25 Dùng phấn Bambusa (Lingnaniachungii McClure
26 Tre ven Long Thành Bambusa flexuosa Schultes
27 Luồng may Bambusa gibba McClure
28 Vầu leo Bambusa guangxiensis Chia et Fung
29 Tre lạt Bambusa intermedia Hsueh et Yi
30 Tre bông Bambusa maculata Widjaja
31 Hóp sào Bambusa multiplex (Lour.) Raeuschel ex Schult.
Tre sọc vàng Bambusa multiplex cv Alphons-Kazz
Tre hàng rào Bambusa multiplex cv Fernleaf
32 Hóp Củ Chi Bambusa mutabilis McClure
33 Lục trúc Bambusa oldhamii  Munro
34 Hóp Sơn Động Bambusa papillata Q.H.Dai
35 Hóp Cẩm Xuyên Bambusa piscatorum McClure
36 Lồ ô Bình Long Bambusa procera A.Chev & A.Cam
37 Lồ ô Trường Sơn Bambusa polymorpha Munro
38 Tre đá Bambusa remotflora Kuntze
39 Tre là ngà Bambusa sinospinosa McClure
40 Hóp Bambusa textilis Roxb.
41 Mạy bông Bambusa tulda Roxb.
42 Tre đùi gà Bambusa ventricosa McClure
43 Tre mỡ Bambusa vulgaris Schre ex Wend
Tre vàng sọc Bambusa vulgaris Schre ex Wend cv Vittata
Tre bụng phật Bambusa vulgaris Schre cv Wamin McClure
44 Lộc ngộc Bambusa  sp.1
45 Tre trẩy Bambusa  sp.2
46 Lùng Thanh Hoá Bambusa (Lingnania) sp.3
Dùng Cầu Hai Bambusa (Lingnania) sp.3
Tre Đông Khê Bambusa (Lingnania) sp.3
47 Mạy luông Bambusa sp.4
48 Song sào Bambusa sp.5
49 Mạy bó, nó bó Bambusa sp.6
50 Tre lục bình Bambusa sp.7
51 Là a Cà Ná Bambusa sp.8
52 Mò o Bình Định Bambusa sp.9
53 Mạy khô, hon trúc Bambusa sp.10
54 Mạy quân Bambusa sp.11
55 Mạy cượp Bambusa sp.12
56 Hóp cần câu (trúc đá) Bambusa sp.13
57 Tre không gai Tân An Bambusa sp.14
58 Tre trãi Long An Bambusa sp.15
59 Lồ ô Chư Sê Bambusa sp.16
60 Lồ ô Ngọc Hồi Bambusa sp.17
61 Lồ ô Ea Hleo Bambusa sp.18
62 Lồ ô đèo Đran1 Bambusa sp.19
63 Lồ ô Bảo Lộc Bambusa sp.20
64 Lồ ô đèo Prenn1 Bambusa sp.21
65 Tre dẻo Hà Giang Bambusa sp.22
66 Tre leo Tân Phú Bambusa sp.23
67 Nôm Bambusa sp.24
68 Tre cần câu (Hao biảng) Bambusa sp.25
69 Tre mốc Quản Bạ Bambusa sp.26
70 Lồ ô Saloong Bambusa sp.27
71 Tre Lang Hanh Bambusa sp.28
V Le Bắc Bộ Bonia
72 Le đặc ruột núi đá Bonia  sp.
73 Le Bắc Bộ Bonia tonkinensis Balansa
VI Cơm lam Cephalostachyum
74 Cơm lam Cephalostachyum pergracile Munro
75 Đỉnh trúc Ngoạn Mục Cephalostachyum sp.1
76 Gày Cephalostachyum sp.2
77 Bọp Cephalostachyum sp.3
VII Trúc vuông Chimonobambusa
78 Sặt gai Chimonobambusa microfloscula McClure
79 Trúc vuông Chimonobambusa quadrangularis (Fenzi) Makino
80 Trúc gai Chimonobambusa sp.1
VIII Sặt gai Chimonocalamus
81 Sặt Ba Vì Chimonocalamus baviensis  comb.nov.
82 Tre nhỏ Sa Pa Chimonocalamus sp.1
IX Bạc mày Dendrocalamopsis
83 Bạc mày Dendrocalamopsis sp.1
84 Tre gầy Dendrocalamopsis sp.2
85 Trà oọc Dendrocalamopsis sp.3
X Luồng Dendrocalamus
86 Mạy púa mơi Dendrocalamus aff giganteus Munro
87 Mạy púa cay na Dendrocalamus aff. pachystachys Hsueh et D.Z.Li
Mạy púa cáy Dendrocalamus aff. pachystachys Hsueh et D.Z.Li
Bương mốc Ba Vì Dendrocalamus  sp.
BươngThanh Hoá Dendrocalamus  sp.
Bương Tuần Giáo Dendrocalamus  sp.
Mạy ngừu Dendrocalamus  sp.
Tre hoa Dendrocalamus  sp.
Mai mo sọc Dendrocalamus  sp.
88 Mai cây Dendrocalamus aff. yunnanicus Hsueh et Li

 

89 Mạnh tông Dendrocalamus asper (Schult) Backer ex Heyne
90 Luồng, mét Dendrocalamus barbatus Hsueh et D.Z.Li
91 Luồng Thái Lan Dendrocalamus brandisii (Munro) Kurz.
92 Sang phay Dendrocalamus farinosus Chia et Fung
93 Hốc Dendrocalamus hamiltonii Nees et Arn. ex Munro
94 Mai xanh, tre tàu Dendrocalamus latiflorus Munro
Tre trinh Dendrocalamus aff latiflorus Munro
95 Mạy sang Dendrocalamus membranaceus Munro
96 Mạy pì (Tre mỡ Lạng Sơn) Dendrocalamus minor (McClure) Chia et Fung
97 Bương hoa lớn Dendrocalamus pachystachys Hsueh et D.Z.Li
98 Mạy hốc Sơn La Dendrocalamus semiscandens Hsueh et D.Z.Li
99 Mạy hốc Cầu Hai Dendrocalamus sikkimensis Munro
100 Bương lớn Điện Biên Dendrocalamus sinicus Chia et Sun
101 Diễn da báo Dendrocalamus tomentosus Hsueh et D.Z.Li
102 Mai dây, mai ống Dendrocalamus yunnannicus Hsueh et D.Z.Li
103 Luồng nước Dendrocalamus  sp.1
104 Diễn trứng Dendrocalamus  sp.2
105 Diễn đá Dendrocalamus  sp.3
106 Long thước Dendrocalamus  sp.4
XI Hào dúi Fargesia
107 Hào dúi to Fargesia sp.
XII Mạy lênh lang Ferrocalamus
108 Mạy lênh lang Ferrocalamus  sp.
XIII Le Gigantochloa
109 Mạy lay/Láy Thái Gigantochloa albociliata (Munro) Kurz.
110 Mạy lay lo Gigantochloa nigrociliata (Buse) Kurz.
111 Vung Gigantochloa sp.1
Tre dây/mạy vói Gigantochloa sp.1
112 Mum Gigantochloa sp.2
113 Mum Bến Tre Gigantochloa sp.3
114 Mum đèo Hàm Rồng Gigantochloa sp.4
Mum Đatanla Gigantochloa sp.4
115 Bắp cày/luồng đá Gigantochloa sp.5
116 Le Di Linh Gigantochloa sp.6
117 Le lá nhỏ Lang Hanh Gigantochloa sp.7
118 Le lá dài Lang Hanh Gigantochloa sp.8
119 Le núi Dinh Gigantochloa sp.9
120 Le Ngoạn Mục Gigantochloa sp.10
121 Le Ea Hleo Gigantochloa sp.11
122 Le Ngọc Hồi 1 Gigantochloa sp.12
123 Le Bờ Y (Ngọc Hồi 2) Gigantochloa sp.13
124 Le Ngọc Hồi 3 Gigantochloa sp.14
XIV Vầu đắng Indosasa
125 Vầu đắng Phú Thọ Indosasa angustata McClure
126 Măng đắng Indosasa crassiflora McClure
127 Vầu ngọt lá nhỏ Indosasa parvifolia C.S.Chao et Q.H.Dai
128 Tre giàng Indosasa sp.1
129 Vầu đắng Tuyên Quang Indosasa sp.2
130 Vầu đắng Cúc Phương Indosasa sp.3
Vầu đắng Nghệ An Indosasa sp.3
131 Sặt Indosasa sp.4
132 Tre mốc Indosasa sp.5
133 Vầu ngọt Indosasa sp.6
134 Khum phàm Indosasa sp.7
135 Khổng Indosasa sp.8
XV Tre lông Kinabaluchloa
136 Tre lông Bidoup Kinabaluchloa sp.

XVI

Giang Maclurochloa
137 Giang Bắc Bộ Maclurochloa tonkinensis sp.nov.
138 Giang Tân Trào Maclurochloa tantraoensis sp.nov.
139 Giang Sơn Dương Maclurochloa sonduongensis sp.nov.
140 Giang Tràng Định Maclurochloa trangdinhensis sp.nov.
141 Giang Lộc Bắc Maclurochloa locbacensis sp.nov.
142 Giang Đam Rông Maclurochloa  sp.1
143 Giang đèo Prenn Maclurochloa  sp.2
144 Giang Sơn Động Maclurochloa  sp.3
Giang Điện Biên Maclurochloa  sp.3
145 Giang Bản Tọ Maclurochloa  sp.4
146 Giang Hàm Yên Maclurochloa  sp.5
147 Giang Tuần Giáo Maclurochloa  sp.6
148 Giang Philiêng Maclurochloa  sp.7
149 Giang Sơ Pai Maclurochloa  sp.8
150 Giang Kon Hà Nừng Maclurochloa  sp.9
151 Giang vách mỏng Đatanla Maclurochloa  sp.10
Giang vách dày Đatanla Maclurochloa  sp.10
152 Giang thân to Đatanla Maclurochloa  sp.11
153 Giang Lang Hanh Maclurochloa  sp.12
XVII Tre quả thịt Melocalamus
154 Tre quả thịt Cúc Phương Melocalamus cucphuongensis sp.nov.
155 Dẹ Yên Bái Melocalamus yenbaiensis sp.nov.
156 Tre quả thịt Pà Cò Melocalamus pacoensis sp.nov.
157 Tre quả thịt Lộc Bắc Melocalamus blaoensis sp.nov.
158 Tre quả thịt Trường Sơn Melocalamus truongsonensis sp.nov.
159 Tre quả thịt Kon Hà Nừng Melocalamus kbangensis sp.nov.
160 Tre quả thịt rỗng ruột KHN Melocalamus  sp.1
161 Tre quả thịt Tân ấp Melocalamus  sp.2
162 Giang Thuận Châu Melocalamus  sp.3
163 Giang Hoàng Su Phì Melocalamus  sp.4
XVIII Lành anh Oligostachyum
164 Lành anh Oligostachyum sp.
XIX Trúc Phyllostachys
165 Trúc hoá long Phyllostachys aurea Carr. ex A. et C.Riv
166 Trúc sào Phyllostachys edulis (Carr) H.de Leh
167 Trúc đá Phyllostachys nidularia Munro
168 Trúc đen Phyllostachys nigra (Lodd)
169 Trúc cần câu Cao Bằng Phyllostachys sulphurea (Carr.) A. et C.Riv.
170 Trúc quân tử Phyllostachys sp.1
171 Mạy khoang Phyllostachys sp.2

XX

Nứa mọc tản Pseudostachyum
172 Mạy đấy Pseudostachyum polymorphum Munro

XXI

Thia ma Sasa
173 Hào dúi Sasa sp.
XXII Nứa Schizostachyum
174 Nứa lá to Schizostachyum funghomii McClure
175 Nứa lá nhỏ Schizostachyum pseudolima McClure
176 Lồ ô Đà Nẵng Schizostachyum zollingeri Steud.
177 Nứa hoa lúa Lộc Bắc Schizostachyum  sp.1
178 Nứa Langbian Schizostachyum  sp.2
179 Khốp Cà Ná Schizostachyum  sp.3
180 Nứa Yaly Schizostachyum  sp.4
181 Nứa Bảo Lộc Schizostachyum  sp.5
Nứa Ngoạn Mục Schizostachyum  sp.5
182 Nứa núi Dinh Schizostachyum  sp.6
183 Nứa tép Bến En Schizostachyum  sp.7
184 Nứa đèo Lò Xo Schizostachyum  sp.8
185 Nứa lá to Saloong Schizostachyum  sp.9
186 Nứa không tai Côn Sơn Schizostachyum  sp.10
Nứa có tai Côn Sơn Schizostachyum  sp.10
187 Nứa Sa Pa Schizostachyum  sp.11
XXIII Sặt núi cao Sinarundinaria
188 Sặt Langbian Sinarundinaria schmidiana (A.Cam.) Chao & Renv
189 Trúc lùn Sa Pa Sinarundinaria  sp.1
XXIV Vầu cúc phương Sinobambusa
190 Vầu lớn Cúc Phương Sinobambusa  sp.1
XXV Tầm vông Thyrsostachys
191 Mạy cần Thyrsostachys oliveri Gamble
192 Tầm vông Thyrsostachys siamensis Gamble
XXVI Le cỏ Vietnamosasa
193 Le đuôi chồn Tây Nguyên Vietnamosasa ciliata N.T.Quyen
194 Le cỏ Lang Hanh Vietnamosasa pusila N.T.Quyen( Tư liệu lấy tại trang Sinh vật rừng Việt Nam )

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Viết Lâm (2005), Nghiên cứu phân loại họ phụ Tre (Bambusoideae) ở Việt Nam,Tài liệu hội nghị
  2. KHCN Lâm nghiệp, 20 năm đổi mới (1986-2005) – Phần lâm sinh, tr. 312-321.
  3. Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005), Tre trúc Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
  4. Theo http://www.vncreatures.net/tracuu.php

Bạn biết những gì về cây tre Việt Nam

Tâm thức người Việt – bình yên và xanh mát bóng tre

Việt Nam nhiệt đới gió mùa, nên “xanh muôn ngàn cây lá khác nhau”(1). Từ núi cao cực Bắc tới sông nước Cà Mau, mỗi vùng sinh thái tươi xanh những loài thảo mộc, hoa trái đặc trưng. Nhưng kỳ lạ sao, đâu đâu cũng cũng bốn mùa xanh những lũy tre tươi tốt! Từ Bắc chí Nam, trên núi trên đồi bạt ngàn tre nứa giang vầu… Đồng bằng thì làng quê nào cũng lũy tre bao bọc, bờ đê nào cũng tre xanh chắn sóng và ngăn lũ, nên sông quê “nước gương trong soi tóc những hàng tre”(2).

Nay giữa Ba Đình, hai hàng tre xanh bình yên mang hồn quê xứ sở muôn đời che mát giấc ngàn thu Lãnh tụ Hồ Chí Minh – Người tiêu biểu nhất cho giang sơn và văn hóa Việt Nam.

Ấy là do tổ tiên Lạc Việt của chúng ta từ trung du đi khai phá miền phù sa đồng bằng và ven biển, hành trang đơn sơ, chỉ có khát vọng sinh tồn trên xứ sở riêng, sức cần cù nhẫn nại, bộ công cụ đồng, những gói hạt lúa cùng hạt bầu, bí, đậu…, và những gốc tre gân guốc rễ.

Thế nghĩa là tre đã là bạn đồng hành thủy chung, thân thiết của người từ thuở xa xưa gian lao suốt nhiều thế kỷ khai hoang mở đất để rồi dựng nước. Những làng xã định cư với lũy tre xanh bao bọc ngăn gió bão, từ ấy đã là đặc trưng không chỉ của không gian sinh tồn (địa giới) của làng, mà còn là đặc trưng văn hóa – thẩm mỹ riêng có của làng quê Việt Nam ta. Trong sâu xa tâm thức người Việt từ thuở ấy, đã bình yên và xanh mát bóng tre.

Từ ấy, cây tre, người bạn tre gần gũi, qua bàn tay tài khéo của người, đã hóa thân thành cơ man là vật dụng thiết yếu của đời sống làm ăn và đời sống thường ngày, thành các phương tiện để vui chơi giải trí.

>>> Xem thêm: nguyên liệu tre được cung cấp bởi Xưởng Tre Trúc

Tre xanh Nam Bộ

Tre theo người cùng một lúc làm nên cả văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể cho xứ sở chúng ta. Kiến trúc ư? Thì nhà tranh tre nứa lá, với phên với liếp tre đan. Tiện nghi ư? Thì nào giường chõng, bàn ghế, tủ chạn… cho đến lắm thứ đồ ăn thức làm: Nong nia, dần sàng, thúng mủng, rổ rá, cối xay tre… Công cụ nhà nông ư? Thì đòn càn đòn xóc, quang gánh… Đi lại trên sông nước, đánh bắt cá ư? Thì thuyền nan, thuyền thúng, cần câu, vó bè, nơm, đó, dậm tre đan… Đồ chơi và nhạc cụ ư? Thì que khăng, que chuyền, cây đu, diều sáo, sáo, tiêu, khèn bè, đàn tơ rưng tre nứa, cả cây nêu ngày Tết và cột cờ lễ hội đình làng…

Từ tre và nhờ có tre, có nứa cùng với song, mây, mà nên nghề thủ công, mỹ nghệ với lắm thứ hàng hóa tre trúc song mây, với những làng nghề tre mây có tiếng nay được nâng niu như một dạng văn hóa phi vật thể.

Hàng tre trúc, mây tre đan tinh xảo thời hội nhập đi ra thế giới, thu ngoại tệ và hơn thế, quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Ngạc nhiên và thích thú biết bao cho khách nước ngoài, khi bắt gặp ở World Expo 2010 Thượng Hải nhộn nhịp, cả một “dòng sông tre Việt Nam” lúc bước vào nhà trưng bầy của ta: Kiến trúc, trang trí tài khéo toàn bằng tre trúc, với những hàng thủ công mỹ nghệ mây tre óng chuốt bên cạnh những hàng gốm sứ, sơn mài, đồng, đá Việt Nam!

Hành trình cùng con người làm nên lịch sử

Tre cùng người làm ra đời sống, văn minh, cũng lại cùng người những nghìn năm vượt qua biết bao tai họa để làm nên lich sử bi tráng và kiêu hãnh Việt Nam.

Tre làm lũy ngăn bão tố, lũ lụt, giữ đê kè. Tre làm thành trì của những làng chiến đấu. Tre làm bức tường biên giới. Tre Đằng Ngà của Thánh Gióng đánh giặc Ân; gậy tầm vông, đòn càn, đòn xóc, chông tre… chín năm kháng chiến. “Gậy Trường Sơn” xuất xứ từ xã Anh hùng Hòa Xá (Mỹ Đức, Hà Nội nay) theo trai làng đi đánh Mỹ…

Tre thế là nghìn đời bao bọc, chở che cho sinh tồn của người. Tre đã hóa thân thành thế giới văn hóa tre trúc quây quần thân thiết với đời người, in hình in bóng đậm đà vào văn hóa, thi ca, nhạc họa, vào sâu xa tâm thức con người Việt Nam.

Đến lượt con người lại nhận ra sự tương hợp kỳ lạ giữa phẩm chất của tre với cốt cách của chính mình, đến mức như là tri kỷ. Nói thay ta những lời hàn huyên, lời tri ân thắm thiết, sâu xa và thi vị, với người bạn tri kỷ tre xanh, có thể kể đến áng văn tùy bút Cây tre Việt Nam của Thép Mới viết sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, và thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy viết thời đánh Mỹ.

Tre “ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”, “sống có nhau, chết có nhau chung thủy”. Tre “mộc mạc”, “nhũn nhặn” mà nhẫn nại không chê đất cằn, sá gì sương gió. Tre “ngay thẳng, thủy chung, can đảm”, giầu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc. Tre “thanh cao, giản dị, chí khí như người”. “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”.

Tre cũng như người, từ trong gian lao, tâm hồn bay bổng. “Vươn mình trong gió tre đu. Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”. Tre hóa thành diều: “Diều bay, diều lá tre bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời…” ngân nga bổng trầm “Tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…”

Dòng sông tre Việt Nam” – World Expo 2010 – Thượng Hải

Thế nhưng cảm nhận của chúng ta về cốt cách Việt Nam với tre xanh làm biểu tượng, khó có thể nói đến mức nào là đủ. Từ thời điểm hôm nay nhìn lại và suy ngẫm, so sánh với các nền văn hóa khác, có thể nói thêm rằng phẩm chất đặc sắc nhất của con người Việt Nam ta – sản phẩm của lịch sử đặc thù và văn minh xứ sở, là trên tầng nền bản chất chung nhân loại mà dân tộc nào cũng có – dũng cảm, cần cù, thông minh, sáng tạo. Là đức tính bất khuất, kiên cường ẩn tàng trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên cũng như mọi biến thiên, bão táp và bi kịch lịch sử, cả do đến từ mọi phía lẫn do nội sinh, để trường tồn và phát triển.

Nhờ thế mà trong những đêm trường nô lệ dưới xiềng xích các đế chế Trung Quốc và thực dân Pháp, nước bị xóa tên, nhưng cộng đồng Lạc Việt – Việt Nam đã không tan rã, không bị đồng hóa. Trái lại đã có thể bền gan chịu đựng, nấu nung sức mạnh để cuối cùng vùng lên giành độc lập.

Đã có thể nhẫn nại chịu đựng và vượt lên đau thương, tổn thất lớn lao, để cuối cùng giành thắng lợi trong nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lăng từ các đế quốc to, cả bằng dáo gươm trung cổ phương bắc lẫn đại bác, xe tăng, B52 hủy diệt của các đế quốc Pháp và Mỹ. Đã có thể bền gan chịu đựng và quật khởi thoát ra khỏi thế kỷ 18 đen tối vì chia cắt, nội chiến triền miên, nối lại nền thống nhất, cũng như chịu đựng và bừng tỉnh, thoát hiểm sau những năm tháng bi đát thời bao cấp chưa xa…

Giống như cộng đồng người Việt, tre là lũy thép trước xâm lăng và bão lũ. Tre nhẫn nại chịu oằn mình, ngả rạp trước cuồng phong, bão lớn, để khi gió yên trời lặng lại vươn mình đứng thẳng thành lũy thành rừng, tre già măng mọc vô tận sinh sôi…

Tre xanh hiên ngang, nhũn nhặn, cứng cáp mà dẻo bền vô hạn là Biểu tượng của cốt cách và các phẩm chất đặc sắc của con người và văn hóa Việt Nam ta.

>>>> Xem thêm: Thi công tre TP. Hồ Chí Minh

Rate this post

Xưởng Tre Trúc

Xưởng Tre Trúc chuyên Thiết kế, thi công, trang trí nhà bằng tre trúc. Cung cấp các sản phẩm tre trúc: nguyên liệu tre, mành tre che nắng, bình phong, bàn ghế, mê bồ, cót ép, v.v. thi công lắp đặt, giao hàng tận nơi hậu mãi chu đáo. Uy tín, chất lương, tiên phong trong lĩnh vực tre trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *